Tư vấn khách hàng

Xung quanh việc...."cò" mai táng.!!!

Khi gia đình có hữu sự nên đến trực tiếp những cơ sở uy tín trên địa bàn thành phố để tìm mua sản phẩm cho người thân,Tránh tình trạng cò mai táng.
Chị Hương chia sẻ, nghĩa tử là nghĩa tận, mọi chuyện qua rồi tôi không muốn nhắc lại, nhưng tôi cần tâm sự cùng những ai nếu gặp hoàn cảnh như tôi hãy lưu ý hơn. Tuy trong lúc gia đình đang tang gia bối rối, nhưng cũng không nên quá tin lời của những tay “cò” tổ chức mai táng.
 
Để hiểu rõ hơn về thế giới “cò” tổ chức mai táng, qua giới thiệu, chúng tôi tiếp cận với một tay “cò” tên Tuấn (SN 1960, quê miền Tây, sinh sống ở TP.HCM). Sau buổi uống cà phê, chúng tôi nhờ ông Tuấn chỉ giáo vài chiêu để học hỏi thêm, vì mới bước vào nghề.
 
“Tôi chỉ hướng dẫn phần cơ bản thôi, nghề dạy nghề, công việc này phải lanh lẹ, nói chuyện phải khéo léo, thuyết phục. Một ngày chết có mấy người đâu, làm “cò” mà chỉ hết bí quyết lấy gì mà sống. Bước đầu, đến các cơ sở, trại hòm bán quan tài, hỏi người ta, nắm rõ hết các khung giá đưa ra về việc mai táng trọn gói. Khi phát hiện gia đình nào vừa có người chết, vào “chào hàng” liền, làm giá được hay không là do tài năng nói chuyện. Nếu bước đầu chưa quen, chỉ cần gọi điện thoại, giới thiệu có người chết là có được tiền hoa hồng rồi”, “cò” Tuấn bày chiêu.
 
Tại cơ sở phục vụ mai táng Trại hòm T.C. (quận 12), anh Nguyễn Văn Hùng (SN 1967, người quản lý trực tiếp ra báo giá) cho biết, hiện có rất nhiều loại “cò” môi giới tổ chức làm mai táng. Họ lưu động khắp nơi, giao tiếp khá rộng, khi một gia đình nào có người vừa qua đời, họ liền có những người quen xung quanh alô thông báo. Ký được hợp đồng, họ trích tiền cà phê cho người thông báo, sau đó đem hợp đồng đến ký tại các trại hòm quen biết để được nhận tiền phần trăm.
 
Ông Hùng cho biết thêm, hiện cơ bản có hai loại “cò”: Loại thứ nhất, với những “cò” mới vào nghề, nắm được khung giá từ Trại hòm đưa ra, sau khi nói chuyện với khách hàng xong, họ mời khách (gia đình người chết – PV) đến trực tiếp cơ sở, hai bên làm việc rõ ràng, ký xong hợp đồng, “cò” chỉ việc nhận tiền phần trăm hoa hồng, trách nhiệm còn lại là thuộc về cơ sở trại hòm. Cũng không ít “cò” yêu cầu phải kê giá thêm gần cả 10 triệu đồng, nếu không “cò” đưa khách đi trại hòm khác. Vậy, “cò” vừa hưởng lời từ tiền kê giá lẫn cả tiền nhận phần trăm là hơn chục triệu đồng trên mỗi lần nhận làm mai táng.
 
Loại “cò” thứ hai, sau vài lần đưa khách đến cơ sở ký hợp đồng thành công, những lúc đang tổ chức lễ mai táng, “cò” này luôn đi cùng. Có được nhiều kinh nghiệm, “cò” tự trực tiếp ký hợp đồng tại tư gia của khách hàng, lên danh sách chương trình làm lễ, rồi tự ra giá. Cuối cùng, tay “cò” đi nhiều nơi đặt và thuê hàng tận gốc. Thuê mướn từng bộ phận riêng, như xe, kèn tây, mời thầy tụng, liên hệ lò hỏa thiêu, đặt quan tài tại cơ sở sản xuất…, nhằm hưởng lợi nhuận cao hơn. Các cơ sở trại hòm cũng phải chấp nhận theo yêu cầu của “cò”, nếu từ chối xem như mất mối vì “cò” không đưa khách đến.

Tin liên quan